Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện Trà Cú triển khai có hiệu quả, tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng. Từ phong trào, nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn, tự tin vững bước trên con đường phát triển kinh tế, dựng xây quê hương giàu đẹp.
Có thể kế đến anh Huỳnh Đức Thịnh – Bí thư Chi đoàn Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Hai Kháng với mô hình sản xuất đóng nút gáo dừa tại ấp Bến Thế, xã Tân Sơn
Với mô hình này, anh Thịnh tận dụng tài nguyên sẵn có, cùng với tinh thần ham học hỏi và ý chí quyết tâm khởi nghiệp, anh đã mạnh dạn huy động vốn và đầu tư cơ sở sản xuất nút áo từ gáo dừa để bắt đầu khởi nghiệp vào những tháng cuối năm 2019. Bước đầu, do chưa có nhiều vốn và ảnh hưởng của dịch Covid – 19 phức tạp nên anh chỉ đầu tư 10 máy gia công, hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì hoạt động cho đến nay thì cơ sở làm nút áo bằng gáo dừa của anh đã có hơn 30 máy, hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thịnh cho biết: Trước đây những cái gáo dừa khô cứng không thể chế tác hoặc chỉ dùng làm chất đốt nhưng vài năm gần đây, trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đã xuất hiện vài cơ sở chuyên sản xuất nút áo xuất khẩu từ nguyên liệu gáo dừa, mặt hàng này rất được ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Thịnh đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở chuyên sản xuất nút áo bằng gáo dừa cuối năm 2019. Để làm ra chiếc nút áo bằng gáo dừa áo, sau khi thu mua về sẽ lựa chọn phân loại gáo, tiếp đến là công đoạn tỉ mỉ hơn là đưa miếng gáo dừa vào mũi khoan để khoan tròn lấy ra một nút áo. Nút áo có đường kính từ 20 li đến 26 li, một miếng gáo dừa có thể khoan ra từ 30 đến 50 chiếc nút áo tùy theo lớn nhỏ. Ở công đoạn này, người thợ ngồi bên máy khoan nút phải có kinh nghiệm và thuần thục trong thao tác, sau khi khoan ra được những chiếc nút nhiều kích cỡ thì đến khâu lựa nút áo, thường thì khoảng nữa tháng sẽ xuất hàng đi một lần đến những cơ sở khác để tiếp tục gia công (khoan lỗ, mày nhẵn, đánh bóng). Anh Thịnh còn chia sẻ thêm phần gáo dừa phế phẩm sẽ được chuyển qua các lò đốt để sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.
Ngày 14/8/2024, Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện, CLB thanh niên khởi nghiệp huyện đã đến tham quan, tư vấn và hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi thanh niên khởi nghiệp cho anh Huỳnh Đức Thịnh, với số vốn 30 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.