Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là nhiệm vụ luôn được Ban Thường vụ Huyện đoàn – Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện quan tâm, chú trọng thực hiện. Đặc biệt, là các dự án, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm, Huyện đoàn phối hợp Hội LHTN Việt Nam huyện đã hỗ trợ 02 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu năm 2023, tổng trị giá 70 triệu đồng từ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Với mô hình nuôi lươn không bùn của anh Giang Văn Phải – Bí thư Chi đoàn ấp Chợ, xã An Quảng Hữu. Huyện đoàn hỗ trợ vốn cho anh phải với số tiền là 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội do Đoàn Thanh niên quản lý và hỗ trợ kết nối thương lái mua lươn thịt và lươn giống. Được biết, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Phải đã khai thác triệt để không gian chuồng trại cũ tại nhà để phát triển nuôi lươn. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống lọc nước, ống nước, để thay nước hàng ngày, đảm bảo môi trường sống cho lươn và giảm bớt chất thải ra môi trường. Chưa dừng lại ở đó, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Phải đã tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm đầu vào thức ăn cho con lươn, từ đó tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp vừa hiện đại, vừa khép kín và gắn liền với nhiệm vụ tăng cường công tác vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ở mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Nguyễn Khánh Duy – Bí thư Chi đoàn ấp Ba Tục A, xã Thanh Sơn. Huyện đoàn hỗ trợ vốn cho ý tưởng khởi nghiệp với số tiền là 20 triệu đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội do Đoàn Thanh niên quản lý; đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ thỏ thịt và bán thỏ con.
Với mô hình này, anh Duy nuôi với quy mô ban đầu 15 con thỏ mẹ, 50 con thỏ thịt và 40 thỏ con, đem lại thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm. Theo anh Duy cho biết, thỏ ít nhiễm bệnh nếu được vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nuôi thỏ không đòi hỏi diện tích nuôi lớn; thời gian nuôi ngắn nên rất nhanh thu hồi vốn. Một trong những ưu điểm nổi bật của thỏ là sinh sản rất nhanh, mỗi năm có thể đẻ 5 – 6 lứa trở lên, nên số lượng đàn thỏ tăng khá nhanh. Toàn bộ lồng nuôi thỏ được làm bằng sắt chắc chắn, có hệ thống nước uống tự động. Các lồng nuôi được đặt cách mặt nền bê tông khoảng 60 cm để thỏ luôn sạch sẽ, khô ráo. Không dừng lại ở đó, anh Duy còn áp dụng quy trình nuôi thỏ sinh học để hạn chế triệt để mùi hôi trong quá trình sản xuất. Thức ăn của thỏ được bổ sung thêm chế phẩm vi sinh. Khẩu phần thức ăn này không phải ngày nào, bữa nào cũng áp dụng, mà chỉ cho ăn bổ sung 2 ngày/lần. Nhờ áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học, mô nuôi thỏ của anh Duy không có mùi hôi khó chịu. Đàn thỏ cũng không bị chết do dịch bệnh, đặt biệt góp phần bảo đảm được yếu tố vệ sinh môi trường trong suốt quá trình chăn nuôi.
Việc hỗ trợ thực hiện mô hình thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của thanh thiếu nhi trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh bền vững.